Truyền thống vẻ vang “Nông trường Quốc doanh 1/5 – Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân - 60 năm xây dựng và trưởng thành” đang trở thành động lực, niềm tin giúp cán bộ, công nhân Công ty TNHH một thành viên 1/5 Nghệ An hôm nay tiếp tục nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, năng động, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, nâng cao đời sống người lao động, đưa đơn vị phát triển nhanh, bền vững…
Ngày này, cách đây vừa tròn 60 năm, ngày 1-5-1958 thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương và mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Trung đoàn 93(Sư đoàn 324) trên 1.300 cán bộ chiến sỹ dưới sự chỉ huy của Trung đoàn Trưởng Võ Duy Tứ và Chính ủy Phạm Hồng Sơn với 300 cái rựa cầm tay đã tiến quân lên miền Tây xứ Nghệ khai mở vùng đất mới lấy tên gọi Nông trường 1-5. Từ khi ra đời đến nay, Nông trường đã trải qua nhiều thời kỳ oanh liệt và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên giao. Từ năm 1958 đến 1964, là thời kỳ khai hoang mở rộng diện tích trồng mới, phát triển cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài. Nhiều chiến dịch được mở ra, nhiều phong trào thi đua được phát động như: chiến dịch khai hoang trồng mới cao su- cà phê; chiến dịch chống rét, chống hạn; phong trào thi đua lao động sản xuất “ ngày không giờ, tuần không thứ”, mưa to coi như mưa nhỏ, mưa nhỏ coi như không mưa… Những chiến dịch, phong trào thi đua ấy đã cổ vũ tinh thần thi đua lao động sản xuất hăng say và đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc, điển hình như: đồng chí Phan Tri, Nguyễn Ỷ, Nguyễn Út… Từ năm 1965- 1975, giai đoạn chuyển thời bình sang thời chiến, cán bộ, CN Nông trường 1/5 vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong thời kỳ này, đã dấy lên phong trào cách mạng sôi nổi như “phong trào 3 sẵn sàng”, “phong trào 5 xung kích”, phong trào thi đua xây dựng tổ đội lao động XHCN, phong trào sáng kiến hay, tay nghề giỏi…
Cán bộ, CNVC Nông trường bám trụ kiên cường, mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp để phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất cây lương thực, thực phẩm đảm bảo đời sống gia đình, đồng thời phục vụ cho các đơn vị đứng chân trên địa bàn, chi viện cho tiền tuyến về người và của. Nông trường đã cử hàng ngàn cán bộ, con em công nhân ra tiền tuyến miền Nam đánh giặc Mỹ, đồng thời phối hợp chăt chẽ với các đơn vị chủ lực vừa trực tiếp bắn máy bay bảo vệ các mục tiêu quân sự, mở tuyến đường 15B dài 30km từ dốc Bò Lăn về dốc Lụi. Trong phong trào thi đua yên nước, xây dựng tổ đội lao động XHCN đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như đồng chí Phạm Lữ- người tổ trưởng mẫu mực xây dựng tổ trở thành con chim đầu đàn của ngành trồng trọt. Bản thân đồng chí đạt 12 năm là chiến sỹ thi đua. Trong chiến đấu có hình ảnh đồng chí Vũ Loa, mặc dù máy bay Mỹ bắn bị thương nặng nhưng đồng chí vẫn quyết tâm bảo vệ máy, cất máy an toàn cho đến khi đồng chi hy sinh. Rất nhiều tấm gương tiêu biểu trong sản xuất và chiến đấu không thể kể hết, chính họ là những điển hình gắn liền với truyền thống lịch sử Nông trường 1/5 Anh Hùng để các thế hệ tiếp bước noi theo.
Sau 1975 đất nước thống nhất, Nông trường Quốc doanh 1/5 thực hiện nhiệm vụ mới. Vừa bổ sung hàng trăm cán bộ lãnh đạo, quản lý, kỹ thuật vào xây dựng kinh tế ở các tỉnh phía Nam, các tỉnh Tây Nguyên, vừa chia tách thành lập Nông trường 22/12 theo sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp- Công nghiệp thực phẩm. Về sản xuất, đây là thời kỳ thay đổi cả nếp nghĩ, cách làm theo cơ chế hạch toán kinh doanh XHCN, trong khi cơ chế bao cấp còn in sâu vào trong nếp nghĩ, cách làm. Song, với truyền thống cần cù dũng cảm, sáng tạo, cán bộ CNVC đơn vị đã nhanh chóng thích ứng, vận dụng cơ chế mới trong mọi hoạt động. Vườn cây cao su được tăng cường chăm sóc, quản lý kỹ thuật chặt chẽ. Thực hiện cơ chế khoán đúng, kết hợp chặt chẽ 3 lợi ích: Nhà nước, tập thể và người lao động, do vậy sản lượng thu hoạch tăng, kéo dài tuổi thọ vườn cây. Các loại cây cam, cà phê cũng được giao khoán hợp lý. Người lao động được giao quyền làm chủ. Nhờ vậy, đơn vị đã hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước, đời sống công nhân được đảm bảo, các hộ gia đình nô nức nhận đất, có ý thức đầu tư nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Thời kỳ 1993 đến nay, đây là giai đoạn đơn vị phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách: vườn cây dài ngày hết chu kỳ khai thác, máy móc thiết bị, nhà xưởng qua thời gian sử dụng cần thay thế, công nghệ trồng trọt, chế biến lạc hậu… đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống của cán bộ công nhân viên. Để phù hợp với tình hình mới, đơn vị đã được UBND tỉnh đổi tên và bổ sung chức năng nhiệm vụ: Công ty đầu tư phát triển vùng dân tộc miền núi Nghĩa Đàn(8/1997), rồi Công ty cây ăn quả Nghệ An(12/2000) và từ năm 2010 đến nay thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ đơn vị chuyển thành Công ty TNHH một thành viên 1/5 Nghệ An. Một lần nữa vượt qua mọi khó khăn, phát huy truyền thống đoàn kết, phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, con người, lao động, thu hút đầu tư vốn khoa học kỹ thuật, cải tiến công tác quản lý điều hành… nên đơn vị đã có bước phát triển mới. Sản xuất phát triển, đời sống cán bộ CNVC cơ bản ổn định và tăng trưởng; sản phẩm, doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến nay nộp ngân sách Nhà nước bình quân 4 tỷ đồng/ năm, riêng năm 2010 nộp ngân sách gần 9 tỷ đồng. Đảng bộ liên tục được được công nhận đảng bộ TSVM, nhiều năm liền đạt TSVM tiêu biểu, công đoàn và các tổ chức đoàn thể được công nhận vững mạnh xuất sắc.
Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và trưởng thành, chúng ta tự hào bởi từ khi thành lập đến nay, Nông trường 1/5 và nay là Công ty TNHH một thành viên 1/5 Nghệ An luôn khẳng định vai trò hạt nhân kinh tế Nhà nước đối với sự phát triển của vùng. Đơn vị luôn làm tốt vai trò là trọng tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội trên địa bàn, xây dựng tốt mối liên minh công nông với bà con nông dân. Từ một vùng rừng núi hoang vu, chúng ta đã có một doanh nghiệp Nhà nước, có cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển khá toàn diện đầy đủ. Có Nhà náy chế biến cao su hàng năm sản xuất hàng nghìn tấn mủ cao su; có nhà máy sản xuất phân bón hàng năm sản xuất hàng chục nghìn tấn phân bón các loại phục vụ cho bà con nông dân và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Tự hào hơn sự nỗ lực cố gắng của lãnh đạo, CNVC đơn vị trong 60 năm vượt qua biết bao khó khăn, thử thách đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận tặng thưởng 20 huân chương, 25 cơ thi đua các loại, trong đó vinh dự nhất ngày 2/8/1998 đã được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân “vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Càng vinh dự, tự hào với truyền thống vẻ vang, đơn vị càng quyết tâm phải phát huy mọi tiềm năng sẵn có, tập trung đầu tư thâm canh diện tích cao su nâng cao năng suất, sản lượng; liên doanh liên kết phát triển cây cao su với các địa phương trên địa bàn, tạo điều kiện chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Đồng thời phát huy lợi thế đứng chân tại Trung tâm huyện lỵ Nghĩa Đàn để phát triển các loại hình dịch vụ, tạo điểm nhấn cho Thị trấn Nghĩa Đàn phát triển… vững thế “ Chân kiềng” vươn lên trong cơ chế mới với 3 mũi chủ lực: sản xuất, chế biến cao su- sản xuất phân bón và phát triển thương mại dịch vụ; hàng năm nộp thuế cho Nhà nước 2-3 tỷ đồng. Trước mắt là tập trung hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2017; chăm lo xây dựng, phát triển kinh tế toàn diện; liên kết với các đơn vị bạn tìm kiếm thị trường, vốn; quan tâm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho CBCNVC; bảo toàn phát triển vốn nhà nước; hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước; xây dựng cơ chế phù hợp; phát triển sản xuất gắn với giải quyết việc làm và những vấn đề xã hội khác… từng bước đưa Công ty phát triển vững chắc toàn diện |